handsomeoptics52 6/24/2025 8:14:34 PM

TỔ QUỐC VÀO XUÂN
(Bùi Minh Huệ)
Tổ quốc là tiếng ầu ơ của mẹ
Rặng tre rì rào, ngọn gió nồm nam
Tổ quốc xanh trong gié lúa cành cam
Trong nắng biển sớm mai, hoàng hôn chiều núi biếc
Đêm trăng lên câu hò da diết
Em xõa tóc xanh, mẹ ngồi giặt áo
Dẫu sông có đi ra biển nào rộng lớn
Cũng bắt đầu từ nguồn suối nơi xa
Tổ quốc là nhà, có bếp lửa ngày xuân
Mối mẹ thẳm trầu cay, vai áo cha sơn bạc
Thịt mỡ bánh chưng, nỗi ước ao một thời khó nhọc
Rộn rã cối chày náo nức những làng quê
Tổ quốc là nơi những người lính không về
Đem tuổi xuân hòa vào cùng cây cỏ
Lời hẹn ước hòa bình, lửa đôi dang dở
Cho hôm nay xuân thắm nở đầy hoa
Đường rộng mở, thế giới thành bao la
Xin đừng quên Tổ quốc nhiều gian khó
Còn bánh chưng Lang Liêu, đào mai còn vui nở
Tổ quốc vào xuân nối tiếp những mùa xuân
(Tạp chí Hồng Lĩnh, số 211)
Câu 1. Chỉ ra dấu hiệu để xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Liệt kê những hình ảnh thiên nhiên được sử dụng để miêu tả vẻ đẹp của Tổ quốc trong khổ thơ đầu.
Câu 3. Nêu ngắn gọn mạch vận động cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Câu 4. Phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ ẩn dụ trong hai câu thơ sau:
Lời hẹn ước hòa bình, lửa đôi dang dở
Cho hôm nay xuân thắm nở đầy hoa 
Câu 5. Từ lời nhắn nhủ của tác giả: “Đường rộng mở, thế giới thành bao lại Xin đừng quên Tổ quốc nhiều gian khó”, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng quá khứ của dân tộc (trình bày khoảng 5-7 dòng).

nguyenthaithanh952001 6/24/2025 8:08:52 PM

CHIẾC ÁO CỦA CHA
                                      Ngô Bá Hòa
Tuổi chiếc áo bằng một nửa tuổi Cha
mỗi nếp gấp mang dáng hình đồng đội
mỗi mảnh vá chứa bao điều muốn nói
về một thời trận mạc của Cha
Ngày con sinh ra
đất nước hoà bình
với bạn bè con hay xấu hổ
khi thấy Cha mặc chiếc áo xanh cũ kĩ
đâu biết với Cha là kỉ vật cuộc đời
Nơi nghĩa trang nghi ngút khói hương
trước hàng hàng ngôi mộ
cha đắp áo sẻ chia hơi ấm
với đồng đội xưa yên nghỉ nơi này
Khoé mắt con chợt cay
khi chứng kiến nghĩa tình người lính
không khoảng cách nào giữa người còn người mất
chiếc áo bạc màu hoá gạch nối âm dương.
vanvn
Câu 1. Xác định thể thơ, các phương thức biểu đạt trong bài thơ.
Câu 2. Hình ảnh chiếc áo xuất hiện trong bài thơ mấy lần và mang ý nghĩa gì?
Câu 3.Giả sử, em là người con trong bài thơ, khi được chứng kiến cảnh người cha viếng đồng đội mình ở nghĩa trang liệt sĩ, em sẽ nói gì với cha?
Câu 4.Em có đồng tình với ý kiến: Những người lính trở về từ chiến tranh vệ quốc nên quên những đồng đội cũ, quên kỷ niệm xưa để có thể sống thanh thản, thích ứng với cuộc sống hiện tại. Vì sao?
PHẦN II. VIẾT 
Câu 1. Từ nội dung bài thơ trong phần Đọc hiểu, em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 300 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu hiểu người thân.
Câu 2. Viết bài văn phân tích, đánh giá chủ đề và một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của bài thơ Chiếc áo của cha - Ngô Bá Hòa 

thuyan7921 6/24/2025 7:45:06 PM

THỎ RAGU
                                      Lưu Quang Minh 
Tóm lược phần đầu: Bà bảy mươi tuổi, sống cùng con trai, con dâu và cháu nội nhưng thường xuyên trong cảnh cô đơn vì ai cũng bận rộn. Một hôm đi chợ, bà gặp chú bé với đôi mắt ươn ướt, ánh nhìn ảm đạm, nài nỉ bà mua một con thỏ gầy giơ xương, lông xác xơ, xù xì. Nghĩ thế nào, bà lại quyết định mua con thỏ mang về nhà.
Con thỏ này không đẹp. Đã thế, nó còn có hề ra dáng thỏ đâu. Thỏ phải lông màu trắng, tai dài kia. Ai lại đen thui một đống, nhìn xa cứ tưởng chuột cống. Chẳng thế mà con dâu bà một phen hãi hùng, suýt chút đã giơ cây đập chết toi con vật lù đù, may bà ngăn kịp. Bà đã đinh ninh con dâu là người phản ứng mạnh nhất, quả thật. Bà cũng biết nó sẽ chất vấn bà đủ chuyện. Sao cũng được, bà nghe, dù gì đã trót đem về.
- Mẹ định nấu thỏ Ragu[1] à?
Có thịt đâu mà làm. Bà gật cho chiếu lệ. Bà già nên lẩn thẩn mất rồi. Con dâu còn nói luyên thuyên thêm một lúc. Bà bảo với nó là bà sẽ nuôi. Sau cùng bà bỏ tạm thỏ đen vào hộp các-tông cạnh góc bếp, xem như cái chuồng. Từ hôm ấy mỗi sáng ngoài việc đi chợ mua đồ ăn cho cả nhà, bà không bao giờ quên mua thêm một củ cà rốt, lâu lâu nấu bữa có bắp cải, rau muống bà đều dành cho thỏ Ragu phần lặt bỏ đi.
- Ăn no chóng lớn, Ragu ới Ragu à.
Nghiễm nhiên tên nó là Ragu, một món ăn khoái khẩu. Mỗi buổi chiều hiu hắt bà ngồi đón gió, không còn đơn lẻ một mình. Thỏ Ragu gặm gặm củ cà rốt, lúi chúi dưới chân bà. Bà vuốt lên vuốt xuống. Lông thỏ mượt, lại không hề dính ve và nặng mùi như chó mèo. Thỏ không biết kêu. Chỉ biết nhìn, ngửi, chạy và nhai ngấu nghiến. Ai đó nói: “hiền như thỏ ”, “nhát như thỏ đế”, đều đúng cả.
- Thỏ ơi, thỏ có thương bà không?
Chẳng biết thốt nhiên vì sao bà lại thủ thỉ như thế. Bà thèm được ôm thằng cháu trai vào lòng, xoa đầu, nghe nó kể lể đủ chuyện trên trời dưới đất, làm nũng bà biết bao. Đã lâu lắm rồi. Bao lâu nhỉ. Bà lẫn rồi, không nhớ nữa. Cháu trai của bà ơi, ăn no chóng lớn nhé, cháu yêu. Nắng lay lắt, le lói từng mảng vàng ố bám lên bốn bức tường lạnh lẽo. Thằng bé ngày nào còn bi bô tập đi tập nói giờ đã lớn tướng rồi. Nó chẳng cần một bàn tay già nua chăm sóc. Ngoài kia bao nhiêu điều thú vị còn lôi cuốn, chờ đợi. Gió cứ thổi, nhẹ đưa, vi vu. Thỏ Ragu nằm bẹp xuống nền đất, tựa đầu vào chân bà. Bà thấy mắt hoen cay. Thằng bé bán thỏ không thấy xuất hiện nữa. Bà vẫn mong gặp lại. Thỏ của cháu lớn hơn rồi đấy, béo mập, tròn trĩnh ra. Bước chân bà dường như mau hơn, lẹ làng để kịp về. Tấm lưng còng đôi khi rệu rã. Thỏ lớn rất nhanh, chính bà cũng chẳng ngờ. Ragu ới, Ragu à. Ragu chạy nhanh lắm, nghe tiếng bà từ xa đã lỉnh đến ngay. Bà vốn nghĩ thỏ chẳng hề thông minh như chó mèo, chỉ biết ăn thôi.
- Không phải đâu, Ragu nhỉ?
Bà cho Ragu ăn bắp cải. Bà xé từng lá, đưa tận miệng Ragu. Hồi xưa bà cũng đút từng muỗng cơm cho thằng cháu, nó nhõng nhẽo, dụ khị mãi chả chịu nhai cho. Cháu ngoan, nhai đi bà dắt đi chơi. Ngoan nào, nuốt nào... Ragu ham ăn lắm. Xơi hết lá này lại đòi lá khác. Bà phải xé luôn tay. Ăn nhiều thế, béo lắm rồi đấy nhé. Chợt bà sững lại. Cái nồi nghi ngút khói. Bà sợ cái nồi nghi ngút khói. Bà nhấc Ragu lên, ôm vào lòng. Con dâu rất khó chịu. Nó đi ra đi vào.
- Mẹ ơi, làm thịt đi!
Thỏ Ragu lớn tướng, cái thùng các-tông bây giờ tỏ ra vô cùng chật chội. Bà bế Ragu khỏi thùng, thấy đúng là nặng thật. Cháu bà ơi... Thằng cháu bà về, chui tót vào phòng như mọi bận. Bao lần bà tính gọi, nhưng lại thôi. Sao nó gần thế, mà cũng xa cách thế? Nắng úa. Bà ngồi đón gió. Ragu ơi, cháu có biết buồn không? Mấy cái lá vàng dứt cây lả tả đậu xuống sân. Thỏ vụt ra, ngửi ngửi. Nó có thói quen chạy lung tung, tìm hiểu, bươi hết chỗ này đến góc nọ. Mọi thứ chung quanh đối với nó chắc là lạ lẫm lắm. Lạ lẫm thật. Bà cũng thế, bà ngồi đây. Lạ lẫm. Mưa đầu mùa. Hạt li ti. Bà sợ Ragu dính nước, lùa vào nhà. Cháu bà ơi, để bà ru cháu ngủ. Bà ôm Ragu nhưng chỉ một chốc nó lại nhảy ra. Lanh cha lanh chanh, chẳng lúc nào chịu yên. Thằng cháu ngày xưa hiếu động, chuyên môn bị u đầu sứt trán, bà phải lấy dầu xoa cho cháu. Nó khóc oang oang: đau quá bà ơi, đau quá bà ơi.
Con dâu nhận trực điện thoại tư vấn ở nhà. Có người gọi đến, tổng đài sẽ tự động chuyển về số máy nhà. Tất nhiên nó chỉ làm thêm ban đêm. Bà nghe nó nói với người ta: “Hãy biết quan tâm, lo lắng. Không cần gì lớn lao, có khi chỉ một câu nói, hành động nhỏ nhặt.”. Bà lặng đi. Câu con dâu thường nói với bà là:
- Mẹ cứ ăn cơm trước.
Miệng móm mém nhai cơm, bà nhìn Ragu dưới đất gặm rau muống. Xơi hết cọng này đến cọng khác, ngon lành. Ăn nữa đi cháu, ăn với bà, ăn cho no vào. Mâm cơm lạnh tanh. Ragu bệnh, nằm im một chỗ. Bà giứ giứ cà rốt tận mõm, nó vẫn không thèm ăn. Ngày bé cháu trai bà bị sốt, mấy đêm bà không ngủ, thay khăn ướt liên tục chườm lên trán cháu. Mau mau khỏe nhé, cháu yêu. Thỏ bỏ ăn đã mấy bữa, bà lo quá. Bà gọi cho con trai, dù sao cũng là bác sĩ, chắc nó biết. Con trai bà bắt máy, nói:
- Con bận lắm mẹ ơi, chỉ là con thỏ thôi mà!
Ừ, chỉ là một con thỏ. Bà chôn Ragu dưới gốc cây nhìn ra sân. Con dâu trách:
- Tại mẹ không nghe con, làm thịt luôn có phải hơn.
Bà không nói, dường như cũng chẳng nghe thấy lời con dâu. Ragu ơi, nhớ bà thì làm gió nhé. Những chiều, bà ngồi đón gió. Gió mát hơn, hiền hòa hơn, tựa như đám lông đen mượt mà. Lá rụng, lảo đảo, chao nghiêng dọc, chạm xuống thềm. Bà nhặt lên, từng chiếc, từng chiếc. Cháu về đấy phải không? Từ dạo ấy bà ăn chay. Bà mua bó rau muống, luộc hoặc xào.
Cả đời bà thương cháu, thương con...
 (Dẫn theo Tạp chí Văn học và tuổi trẻ, số 5+6 năm 2011, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 85, 86) 
Lưu Quang Minh sinh năm 1988, là nhà văn, nhạc sĩ, hội viên Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh. Một số tập truyện ngắn tiêu biểu: Gia tài tuổi 20 (2010), Những tâm hồn đồng điệu (2013), Câu lạc bộ cô đơn (2018), Cõi nhớ miền thương (2019)…
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định lời văn nửa trực tiếp trong các câu văn sau: “Mẹ định nấu thỏ Ragu à? Có thịt đâu mà làm. Bà gật cho chiếu lệ”.
Câu 2. Chỉ ra chi tiết kể về hành động quen thuộc “như mọi bận” của người cháu khi về đến nhà.
Câu 3. “Thỏ ơi, thỏ có thương bà không?”. Câu văn trên cho người đọc hiểu gì về nhân vật người bà trong văn bản. 
Câu 4. Nêu tác dụng của giọng điệu trần thuật trong các câu văn sau: “Ragu ơi, nhớ bà thì làm gió nhé. Những chiều, bà ngồi đón gió. Gió mát hơn, hiền hòa hơn, tựa như đám lông đen mượt mà. Lá rụng, lảo đảo, chao nghiêng dọc, chạm xuống thềm. Bà nhặt lên, từng chiếc, từng chiếc.”
Câu 5. Từ cách ứng xử của con cháu với người bà trong văn bản, hãy xác định thông điệp có ý nghĩa nhất đối với anh/chị và lí giải.
II. VIẾT
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) phân tích điểm nhìn trần thuật trong văn bản “Thỏ ragu” của Lưu Quang Minh.