Các cụ dần dần tới cả, người thì đầu tóc bạc phơ, người thì hoa râm lốm đốm, ai nấy đều mặc những quần áo mới, hoặc sắm lấy hoặc dân làng sắm cho. Họ từ những hang cùng ngõ hẻm, từ những xóm tre núi đỏ, ở khắp các đường các ngả đi lại, gần thì đi bộ, già quá thì chống gậy trúc, xa thì đi thuyền đi ngựa hay đi cáng, người nào cũng có dân đinh hay con cháu cắp tráp mang điếu theo hầu. Mặt người nào cũng nghiêm trang, vì tuổi cao cũng có, nhưng vì sứ mệnh lớn lao mà họ mang trên vai già yếu thì nhiều. Tất cả ba trăm cụ hơi ngơ ngác vì cảnh sa lệ của thủ đô, và vẻ lịch sự của khách kinh kì. Nhưng họ đã được những người này chào đón bằng nét mặt đầy cảm tình, bằng những cử chỉ thân ái, bằng những câu cười tiếng nói niềm nở, bằng khóe mắt thân mật, người ta kiễng chân giơ tay. Trong những tiếng ồn ào thường luôn luôn tuôn ra một điệp khúc rất quen.
- Các cụ xin đánh cả nhé. Xin đánh.
Các cụ gật đầu, miệng nở một nụ cười đồng điệu, họ không ngờ tính tình của những người xa cách hằng bao nhiêu quan san lại có chỗ giống nhau đến thế.
Các cụ đã tiến vào trong điện Diên Hồng, một ngôi nhà uy nghiêm rộng rãi mà vua làm sở tiếp các đại biểu tôn kính của dân gian. Thềm rồng cột tía lần đầu tiên chào đón kẻ quê mùa, chốn xán lạn huy hoàng phản ánh những nét mặt sạm phong trần bày nên một cảnh tượng kỳ thú. Một bữa tiệc đế vương dọn tiếp, các vị chí tôn cùng tất cả danh công cự khanh thân ngồi bồi tiếp. Thiên tử, đại gia và bình dân ôn tồn trò chuyện, thân hơn một bữa ăn trong gia đình. Vua hỏi tuổi hỏi gia thế, con cháu mọi người, cả việc làm ăn ruộng nương chợ búa, cười nói tự nhiên, lần đầu ngài được thỏa cái tinh thần nhân dân của mình.
Đối với các vị bô lão, thì đây là một vinh dự hãn hữu mà phần lớn quan liêu cũng không bao giờ được hưởng. Họ đăm đăm chờ đợi câu hỏi chính của nhà vua. Mãi đến khi tiệc lớn đã tàn, mọi người đang uống nước, ăn trầu, vua mới đứng lên, nói rõ về sự uy hiếp của quân Mông, sức mạnh và tài chinh chiến của họ, sau cùng là tả những nỗi nhục mà triều đình phải chịu đựng, phác quang tình cảnh non sông và cái thế khiến cho mình do dự và tiếp:
- Nay quốc gia nguy ngập, trẫm và triều đình không quyết nổi, vì quốc gia là của chung nên trẫm phải triệu liệt vị vào đây để hỏi ý. Thế của ta nay chỉ có hai cách: cho nó mượn đường hay đánh lại, xin liệt vị chỉ giáo cho.
Tiếng đáp đã sẵn sàng ngay từ khi bước chân lên đường, các cụ đồng thanh, muôn người một miệng:
- Xin đánh!
Lời đáp vắn tắt, đanh thép, đánh tan mỗi do dự của quân vương, khích lệ tướng sĩ, thôi thúc nhân dân, vẫn còn văng vẳng bên tai mọi người và quyện trong núi rừng ngoài biên ải như một lời cảnh cáo quân thù… Từ khi các bô lão về, người tòng quân mỗi ngày một đông, các chiến sĩ ra công luyện tập và các mõ gọi trai tráng ra đình ngày đêm không ngớt tiếng rao.
Dân chúng Thăng Long vẫn còn nhớ như in cảnh tượng ngày lịch sử ấy, các bô lão đã thay họ đạt đạo lên cửu trùng ý kiên quyết của bàn dân thiên hạ. Họ ngày nay chỉ nghĩ làm sao giúp vua đánh kẻ thù, vì họ đều cảm thấy mang trách nhiệm lớn trong cuộc chiến tranh.
“Sát Thát” đã thành hiệu lệnh chung của tất cả mọi người dưới trời Nam.
(Trích “An Tư”, Nguyễn Huy Tưởng, NXB thanh niên)
Câu 1: Qua văn bản trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?
Câu 2: Hãy viết 1 đoạn văn 7-9 câu trình bày suy nghĩ của em về lòng yêu nước của các bị bô lão theo lối diễn dịch.