1. Tìm 5 yếu tố tự sự trong văn bản và nêu nhận xét về tác dụng của các yếu tố ấy
2. Chỉ ra 2 yếu tố trữ tình trong văn bản và nêu nhận xét về tác dụng của các yếu tố ấy
3. Phân tích sự kết hợp của yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn trích trên
4. Cảm hứng chủ đạo của văn bản trên là gì?
5. Cảm hứng chủ đạo của văn bản “Chợ Hà Nội tìm trong ký ức” đã tạo nên linh hồn và sức hấp dẫn của văn bản như thế nào?
6. Phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được dùng trong văn bản. Quan niệm về cái đẹp của tác giả Đỗ Phấn thể hiện như thế nào?
7. Nhận xét về cái tôi cá nhân của tác giả trong văn bản.
Chợ Hà Nội - Tìm trong ký ức - Đỗ Phấn
Hà Nội ngày xưa từng được gọi là đất Kẻ Chợ. Đúng nghĩa ra cả thành phố là một cái chợ khổng lồ. Nay thì phần lớn chợ đã biến hình thành nhiều thứ không còn giống với chợ nữa. Chẳng vui mà cũng không buồn. Chỉ nao nao nhớ!
Hà Nội những năm đầu tiếp quản 1954 vẫn chỉ là những con phố loanh quanh ở bốn khu phố nội thành Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Ngoại thành được tính từ các cửa ô Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, cuối đường Trương Định, cầu Long Biên và Ô Cầu Giấy.
Những ngôi chợ ngoại thành
Ngoại thành Hà Nội dĩ nhiên là làng. Những ngôi chợ cũng chỉ có tầm vóc chợ làng mà thôi. Không kể những ngôi chợ bên kia sông Hồng hoàn toàn mang dáng vẻ của chợ quê thì những ngôi chợ phía Đuôi Cá, Trương Định thuộc quận Hoàng Mai bây giờ, những ngôi chợ trong vùng Yên Hòa - Cầu Giấy, chợ trong Thanh Xuân và chợ dưới Giáp Bát cũng là những ngôi chợ làng.
Chợ làng gần như không có thể thức kiến trúc cố định. Thường chỉ là những dãy lều lán tiêu điều tạm bợ hỏng đâu buộc đấy. Nhưng người đi chợ bán hàng cũng có cách phân chia chỗ ngồi tương đối ổn định. Không bao giờ có chuyện hàng rau ngồi lẫn vào hàng gạo.
Chợ làng có đủ những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống thường nhật của cư dân bản địa còn gắn liền với đất đai canh tác. Thể nào cũng phải có một vài lò rèn sản xuất và sửa chữa cày cuốc, dao kéo. Một vài hàng bán vải vóc, áo quần. Vài dãy hàng bán gạo, muối, rau, thịt. Một góc chợ dành cho xe thồ bán hoa quả. Một hai bàn máy khâu nhận may vá sửa chữa áo quần. Vài gánh hàng xén bán thập cẩm kim chỉ, đá lửa, bóng đèn dầu, chun quần đùi, thuốc chuột, cước và lưỡi câu...
Một khu vực không thể thiếu của chợ ngoại thành là dãy hàng ăn uống tưng bừng khói bếp. Bánh cuốn, bánh đúc, bún, phở, tiết canh lòng lợn, rượu trắng. Mặt xanh mặt đỏ hàn huyên cho đến tận lúc vãn chợ. Nhiều bợm rượu lăn kềnh ra ngủ ngay trên phản bán thịt, chõng bán rau cho đến chiều tối mới loạng quạng mò về.
Ở mạn Cổ Nhuế về sáng còn có thêm chợ bán phân người. “Hàng hóa” được người dân vùng ấy vào nội thành khai thác từ nửa đêm. Mang về bán ở chợ lúc hai ba giờ sáng. Đèn măngsông, đèn pin, đèn bão xôn xao chia chác cân đong đo đếm. Có ca dao vỉa hè rằng Thanh niên Cổ Nhuế xin thề/ Chưa đầy hai sọt chưa về quê hương! Chợ này cũng chỉ tồn tại một thời gian không dài lắm. Đại khái từ hồi chiến tranh phá hoại của Mỹ cho đến hết thời bao cấp thì giải tán.
Chợ làng phần lớn người đi chợ biết rất rõ về nhau. Hiếm khi có người lạ đến chợ làng. Tuyệt không có kẻ cắp. Chỉ thỉnh thoảng vài đám ăn mày ở xa đến ngồi trước cổng chợ. Ăn xin chuyên nghiệp khá lịch sự trình bày nỉ non: Lạy ông đi qua lạy bà đi lại. Bớt đi điếu thuốc miếng giầu cho con xin năm xu một hào.
Ở chợ làng không bao giờ người ta nói thách quá cao. Nói thách trong bán buôn chợ búa là một nét sinh hoạt đặc biệt không với mục đích lừa người mua. Người bán hàng tin rằng phải nói thách thì mới buôn may bán đắt. Và người mua cũng luôn mặc cả không phải với mục đích mua được của rẻ. Họ cũng tin rằng phải mặc cả như thế thì mới mong mua được đúng giá.
Chợ làng ngoại thành yên ả như thế cho đến khi cơn lốc đô thị hóa cuốn phăng đi tất cả. Một vài huyện ngoại thành đã trở thành quận nội thành. Siêu thị và chợ xây theo quy hoạch tầm vóc lớn hơn. Chợ ngoại thành giờ đây có hình ảnh quen thuộc là những gian nhà một tầng kéo dài lợp mái tôn rộng thênh thang. Bên ngoài thường có một khu đất rộng để bán những món hàng tươi sống cồng kềnh. Một bãi gửi xe mênh mông khiến khách đi chợ tìm được chiếc xe máy của mình cũng vô cùng vất vả. Một khu chợ như thế dùng cho dân số vài làng trước đây gộp lại. Và cái yên ả, thanh bình trật tự cũng không còn nữa. Hàng hóa thật giả trà trộn vào chợ. Cân điêu đếm thiếu chộp giật, bán mua chao chát hơn nhiều. Đôi khi có cả trộm cắp tìm vào “tác nghiệp”.